3 weeks ago • Louisa Vu

Dạo này ở Việt Nam mình di chuyển khá nhiều. Nếu trong nội thành Hà nội, mình thường di duyển bằng xe ôm vì tiêu chí nhanh và rẻ. Xe công nghệ bây giờ ở nhà phát triển và thay đổi thực sự chóng mặt. Ngoài các Grab truyền thống còn có Bee, và bây giờ là Xanh SM. Tài xế đa số là sinh viên, xe sạch sẽ mới mẻ. Nếu bỏ ra 10-20k còn có xe ga SM theo hạng Premium hoặc Luxury. 

Hôm nay đặt xe ngồi quét mãi mà không có tài xế, mình đặt được một chú chạy Grab tới. Lúc xe đỗ trước mặt mình mình đã thoang thoáng hi vọng đây không phải xe mà mình đặt. Chú tài xế tới với một chiếc xe dream đời cũ không thể cũ hơn được nữa, phía trước chằng một cái giỏ đã han rỉ và rách gần hết, trong giỏ đựng các loại đồ đạc lỉnh kỉnh. Thú thực mình đã định huỷ chuyến đi nhưng vẫn chần chừ bước lên xe… 

Rồi mình nghĩ lại, thời đại hôm nay đã thay đổi quá nhiều. Xe cũ thay bằng xe mới, tài xế truyền thống thay bằng tài xế công nghệ, xe xăng thay bằng xe điện, khách hàng ngày càng thông minh và kén chọn. Nếu không theo kịp sẽ bị đào thải. Đó là quy luật. 
Và vì thế những chú tài xế như ngày hôm nay sẽ ngày càng thưa khách, mà gánh nặng phía sau họ thì không hề thay đổi. Cuộc sống ngày càng khó khăn, người ta xuân về sắm đào sắm quất, chú vẫn miệt mài chờ đợi từng cuốc khách chắc tới tận đêm giao thừa. 
Thực ra sự đào thải này chỉ là một quy luật tự nhiên trong cạnh tranh thương mại. Nếu chỉ đứng yên tại chỗ không thay đổi, thì cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi, bởi vì xung quanh mọi thứ sẽ không ngừng xoay chuyển. 
Mấy ngày cận tết đâu đâu cũng rộn ràng không khí xuân, nhưng ở đâu đó len lỏi vào những mẩu tin buồn, tin về một gia đình đã ra đi mãi mãi vì người cha muốn kết thúc sự nghèo đói, tin về một anh Grab bị đánh chết vì không làm vừa lòng một khách hàng, bỏ lại con thơ và vợ dại…. 
Biết là ở đâu cũng có giàu nghèo, nhưng ở đất nước mình, sự cách biệt này lớn làm sao… thật may mắn vì mình đã không huỷ cuốc xe này… 

1 month ago (edited) • Louisa Vu

Mình đang ở một khách sạn ở Việt nam. 
Lúc ngồi xe tuktuk ra sảnh, mình có hỏi thăm em nhân viên lái xe là mùa này làm có mệt không, vì Phú quốc đang vào mùa du lịch. Cậu ấy bảo phòng lúc nào cũng full, thường xuyên phải làm 2 ca một ngày, nghĩa là 16 tiếng một ngày. 
 
Lương cơ bản của một nhân viên dọn phòng/ phục vụ tại những khách sạn ở Việt Nam được tính tầm khoảng 8-9tr/ tháng, điều kiện là phải biết tiếng Anh cơ bản và chịu khó làm cuối tuần và lễ tết. Số tiền ấy ở Việt nam mà đi thuê nhà trọ, trả phí sinh hoạt này nọ thì không biết là có dành dụm được đồng nào không. Muốn có tiền thì cũng phải tăng ca cật lực, làm quên trời quên đất! 

Đó cũng là lý do mình luôn mong những bạn trẻ mạnh dạn bước thêm một bước ra khỏi vùng an toàn của mình ngay khi còn trẻ, đi tới một đất nước khác bằng một con đường chính thống. Chỉ cần là thứ bạn muốn theo đuổi lâu dài, đừng bỏ qua nó chỉ vì những người khác đang sợ hãi. 
Hành trình đi học ở nước ngoài bạn sẽ không chỉ được học trường học lớp, mà còn học cả cách sinh tồn ở một thế giới lạ lẫm, học cách làm quen với những bất công, nghịch cảnh. Học cách thấy mình kém cỏi, bất lực và từ đó học cách vươn lên. Học cách bỏ qua những định kiến để đi đúng con đường mà mình muốn theo đuổi, vạch ra những mục tiêu và sau n lần vấp ngã vẫn không quên hướng tới mục tiêu của mình. 

Thực ra, mình nghĩ rằng, dù sống ở đâu đi nữa, dù bạn là ai, cuộc đời của mỗi người đều không hề dễ dàng, đều có những thử thách, những khó khăn. Cách chúng ta có thể làm, là học cách tăng sức chịu đựng của mình lên đủ lớn để thấy tất cả chỉ là những thử thách. Và một trong những cách để tăng được sức chịu đựng là trải qua hành trình đi du học các bạn ạ :)

Mấy ngày nay đi gặp nhiều bạn trẻ hơn mình rất nhiều đã phải dấn thân vào cơm áo gạo tiền. Họ là những người chịu khó chịu khổ chắc còn gấp nhiều nhiều lần những du học sinh, thế mà những thứ họ nhận lại cũng chẳng đáng là bao! 

Họ không thiếu một công việc, cái nhiều người còn đang thiếu là một định hướng… 


Merry Christmas! 

2 months ago • Louisa Vu

Trong 9 năm ở Đức, mình về Việt Nam 8 lần, có 3 năm không được ăn tết ở nhà, một lần do vướng lịch thi và 2 lần do covid.

Mình còn nhớ lần đầu tiên trở về nhà chỉ sau 6 tháng sang Đức, bí mật mua vé định tạo bất ngờ cho bố mẹ, mà cuối cùng người bất ngờ là mình vì những hệ quả nó gây ra 🙂 Những lời bàn ra tán vào rằng chắc mình không học được nên bị đuổi về, có người nói thẳng với bố mẹ mình nuông chiều con quá đỗi, học hành không lo, chân ướt chân ráo đã đòi về. Những lời ấy làm bố mẹ mình cả đêm không ngủ được, thao thức lo cho con gái. Mẹ mình khóc lên khóc xuống vì tưởng những lời đồn kia là sự thật.

Ngay từ những ngày đầu tiên đi làm thêm kiếm ra tiền, mình đã nhất quyết để phần tiền lương của mình trả tiền học tiền ăn, còn tiền bo còn lại sẽ để vào một chiếc phong bì có hình máy bay vẽ trên đó. Nếu đủ tiền, mình sẽ mua vé về thăm nhà. Năm 2016, vé máy bay vẫn chưa đắt như bây giờ, mình đã dùng số tiền ít ỏi trong phong bì đó mua vé về nhà. Cả thế giới ngoài kia bình phẩm phát xét hành động nông nổi ấy của mình, còn mình thì bận chiến đấu với bài vở, với những đêm đi làm tới khuya mới về nhà, với nỗi cô đơn không thể nào vơi bớt, lúc ấy thứ mình thèm nhất là một bữa cơm mẹ nấu, một buổi sáng được thức dậy trong căn nhà của chính mình.

Sau này khi đã quen hơn với cuộc sống xa nhà mình vẫn vậy, chắt góp từng đồng để có tiền về thăm bố mẹ. Mọi người thường hay hỏi sao về lắm thế, sao đi du học mà không thấy up ảnh Châu Âu này nọ. Họ không hiểu rằng bất kì ai đều có những ưu tiên trong kế hoạch của họ. Sự ưu tiên của mình đơn giản là vậy, là được về nhà.


Chúng ta, những người đang tập tễnh đi trên con đường trưởng thành, thường có những mâu thuẫn như vậy. Một mặt không muốn rời xa những người thân yêu của mình, mặt khác lại muốn cất cánh thật cao thật xa để thỏa mãn được cái nhìn tới thế giới rộng lớn ngoài kia. Không có sự lựa chọn nào là vẹn cả đôi đường. 
Hồi nhỏ cứ nghĩ chỉ cần biết phân biệt đúng sai và cứ đứng về bên đúng là được. Lớn lên rồi mới biết, một phần của sự trưởng thành là khi đứng trước những ngã rẽ, biết là cả hai đều không trọn vẹn, nhưng cuối cùng vẫn phải đi về một hướng. 

9 năm vừa qua, có thể có những thứ mình đã làm đúng, có những thứ chưa. Nhưng, thứ mà mình thấy đúng đắn nhất và cũng là thứ mình tự hào nhất, đó là, vẫn luôn ưu tiên kế hoạch "về nhà". 

Hôm nay, mình lại chuẩn bị đồ đạc để chuẩn bị về ăn tết với thày u đây! 

3 months ago • Louisa Vu

"Chúng mày mà không học thì ít nữa cám không có mà ăn!"


Cuộc đời của mỗi con người đều bắt đầu như một tờ giấy trắng, rồi sau này, trong hành trình lớn lên của mình, có cơ duyên gặp những người khác nhau, va vấp vào những hoàn cảnh khác nhau, và may mắn tìm được những người thày khác nhau, mà cứ thế ghép lại từng mảnh từng mảnh, tạo thành chúng ta của phiên bản hiện tại. 

Nếu hình dung mỗi chặng đường trong hành trình trưởng thành là một chuyến đò, nơi thày cô là những người cầm lái, thì mình luôn thấy họ, những người thày, đón mình ở một phiên bản đầy khiếm khuyết, đầy ngây ngô và ngu dại, thế rồi họ lèo lái cuộc đời mình theo hướng xuôi thuyền xuôi gió, mỗi lần cập bến, mình lại trở thành một phiên bản khác hơn, hoàn hảo hơn, tử tế và hiểu biết hơn. 

Câu nói trên đầu bài là của một người thày mình rất kính trọng. Những năm đầu cấp hai mình được bố mẹ gửi lên thành phố để đi học. Thiếu vắng sự nghiêm khắc của bố mẹ trong những năm tháng dậy thì ương bướng, chính cô là người đã đưa mình vào khuôn khổ. Giọng cô chẳng ngọt ngào như những bài thơ tả về người thày, tính tình cô lại càng không hiền hòa, cô sẵn sàng phạt chúng mình thật nặng nếu bỏ học, trốn tiết hay không làm bài tập. Cô thường hay nói "chúng mày mà không chịu khó học thì ít nữa cám không có mà ăn", và bằng cách nào đó, câu nói ấy đã hằn sâu trong đầu mình. Và cũng chính từ đó, mình tin vào sự học, mình tin rằng học tập là con đường khả quan nhất để mình có thể làm được những điều mình muốn sau này. Lần cuối cùng mình gặp cô, giọng cô yếu ớt sau những ngày trị xạ đau đớn, cô vẫn hỏi mình "thế cái Nga dạo này thế nào rồi? chịu khó mà học, không thì ít nữa ăn cám!" ...

Mình sau này đã trở thành một phiên bản rất khác so với "cái Nga" của cô ngày ấy. Nhưng có một thứ vẫn đọng mãi trong lòng mình là lời dặn dò của cô. Tấm ảnh này mình chụp với vị giáo sư của mình vào ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ sau này, cũng là một người thày mình vô cùng kính mến. 

Họ là những người anh hùng như vậy, ẩn mình dưới nhiều hình dáng khác nhau, tính cách khác nhau, giọng nói khác nhau. Đôi khi là nghiêm khắc, đôi khi là hiền từ. Đôi khi chúng ta thấy dễ chịu khi thấy họ, nhưng phần lớn là thấy những áp lực. Cho tới khi thuyền cập bến rồi, có dịp nhìn lại chuyến đò đã đi,  mới thấy đầy biết ơn, đầy tự hào. 

Cảm ơn những người thày! 

4 months ago (edited) • Louisa Vu

[20.10.2024] Trì hoãn những ngày lễ 


Đầu tiên, mình xin gửi lời chúc tới toàn thể phái nữ có một ngày 20.10 thật vui vẻ, ai cũng được yêu thương, ai cũng thấy mình thật xinh đẹp và được quan tâm, cho dù sự quan tâm ấy có đến từ chính bản thân mình hay từ bất kỳ ai. 

Mình đã từng đọc được một câu rất tâm đắc: Nếu như không thể biến một ngày bình thường thành một ngày đặc biệt, thì cũng đừng biến một ngày đặc biệt thành một ngày bình thường. Thú thật mình rất thích câu nói ấy, nên mỗi dịp lễ tết mình đều mong bản thân được nhận những thứ đặc biệt hơn những ngày còn lại. 

Nhưng từ khi sang Đức, đã có rất nhiều dịp đặc biệt mình đã bỏ lỡ. Có những đêm muộn đi làm thêm về đến nhà mới chợt nhận ra quên mất không gọi cho mẹ để chúc mừng ngày phụ nữ, có những buổi qua đến cả tuần mới nhận ra mình quên sinh nhật con bé bạn mình đã từng thân nhất, có những hôm đi làm mà giấu đồng nghiệp ngày sinh nhật mình, tình cờ một bạn trong phòng cũng sinh nhật ngày hôm ấy, mọi người xúm lại chúc mừng bạn ấy, mình vừa chúc mừng vừa có chút tủi thân. 

Từ hôm qua tới giờ thấy các chị các mẹ khoe quà khoe hoa, mình thấy lòng cũng nở hoa theo vì những năm gần đây, sự quan tâm tới phái yếu dần dần trở thành một điều không thể thiếu. Làm gì có ai mà không thích hoa thích quà, làm gì có ai không thích những lời chúc. Có rất nhiều lần thấy mọi người rạng rỡ khoe ngày lễ, mình ngồi trên tàu, tựa đầu vào cạnh ô cửa sổ rồi an ủi : một chút nữa thôi rồi mình cũng sẽ đối xử với bản thân theo những cách dịu dàng như thế. Cố thêm một chút rồi mình nhất định sẽ không để bản thân thiệt thòi. 

Các bạn có thấy suy nghĩ này quen không? Mình cũng chỉ là một trong những du học sinh tất tả với cuộc sống ngược xuôi nơi xứ người, những người luôn tự an ủi mình rằng: cố thêm một chút nữa, khi việc này đi qua nhất định sẽ không để bản thân thiệt thòi, nhưng mà thật ra thì khi giải quyết được một thứ rồi, thì vẫn luôn có những thứ khác vẫn đang ngóng chờ. Hành trình du học là một chuỗi những ngày tự an ủi bản thân, tự vỗ về chính mình. Là hành trình tự làm lành những vết thương lòng thay vì trông chờ vào sự quan tâm của người khác. Phái yếu mà đi du học ắt thành phái mạnh, ý mình là phải học cách để trở nên mạnh mẽ😄 

Hôm nay cũng là một trong những ngày lễ mình tất tả từ sáng chuẩn bị cho kịp giờ tàu cho chuyến công tác 1 tuần. Sáng mở mắt ra kịp uống một cốc caffe và làm tỉ việc khác trước khi xịt mùi nước hoa yêu thích và bước ra khỏi nhà với phong thái tưởng chừng như buổi sáng của mình không hề có sự vội vàng. Nhưng mà, vào lúc này, khi đoàn tàu đang lăn bánh, mình lại ngả đầu sang một bên nhìn ra cửa sổ, viết những dòng này, mình thấy nhờ có hành trình du học ấy, mình không chỉ có thể đối xử tốt với bản thân vào những ngày lễ, mà còn cả những ngày thường. 

Thế nên, gửi những cô gái hôm nay vẫn còn đang mắc trong những bủa vây áp lực nơi xứ người, chúc các bạn sớm đạt được những gì mình mong muốn. Chúc các bạn luôn vững tin trên chặng đường mình theo đuổi. Hoa quà ai cũng muốn, nhưng nếu hôm nay mình trì hoãn một chút, hi sinh một tẹo, thì hành trình này sẽ khiến chúng ta có thể mua hoa và quà tặng bản thân bất kì lúc nào bản thân muốn. 

Mục tiêu luôn quan trọng, nhưng đừng bao giờ quên điều quan trọng nhất, là Hạnh Phúc, các bạn nhé! 

4 months ago • Louisa Vu

[VINFAST- Berlin - 06.10.2024] 

Cuối tuần trước trong lúc đi dạo ở một thành phố nhỏ gần Berlin thì gặp hình ảnh này, tự nhiên thấy trong lòng dấy lên một niềm tự hào nho nhỏ, còn bất ngờ hơn nữa lúc nhìn thấy chủ nhân của chiếc xe thì là một cặp vợ chồng người Đức chứ không phải người Việt. 

VINFAST được ra đời trong nhiều sự nghi hoặc và tranh cãi, trong đầy ngờ vực và cả sự hi vọng. Nhưng mà cuối cùng thì nó cũng đứng sừng sững ở một đất nước cách Việt nam nửa quả địa cầu. 

Mình đã từng nghe rất nhiều lời chỉ trích về chất lượng của VINFAST, và thực ra chính bản thân mình cũng có rất nhiều hoài nghi về sự hoàn hảo của nó, của một hãng xe trẻ măng đến từ một xứ sở không có điểm mạnh về kĩ thuật công nghệ. Mình tin rằng, một hãng xe mới như vậy không thể nào mà tránh được hết các lỗi. Nhưng mà việc nghi ngờ là một việc, việc hãnh diện và tự hào lại là việc khác. Thực ra hành trình của VINFAST cũng không khác hành trình cuộc đời của một con người cho lắm: Nếu muốn đi một con đường mới, nếu muốn đạt được những điều chưa bao giờ đạt được, thì phải chấp nhận sự thiếu sót của bản thân, thiếu tới đâu ta dần dần cải thiện tới đó. Chịu sự chỉ trích để tiến bộ hơn, và hơn nữa là biết phớt lờ những thứ kéo mình ở lại. 

Nếu không có những chiếc xe VINFAST phiên bản đầy lỗi, thì sẽ không có một VINFAST hiên ngang ngạo nghễ sánh vai với những cường quốc. Nếu không có phiên bản đầy khiếm khuyết của bạn hôm nay, sẽ không có một phiên bản tự tin và hoàn thiện hơn trong ngày mai. Tất cả mọi thứ đều bắt đầu bằng sự không hoàn hảo!

Cảm ơn VINFAST đã mang tới cho người Việt nam một niềm tự hào!